top of page
  • Writer's pictureKen Pham

Tản mạn về cân bằng

Tôi là đứa khó mà ngồi yên một chỗ để làm 1 việc trong thời gian dài. Luôn phải có việc phụ như đọc sách, học thêm kiến thức khác, viết blog, hay làm dự án thêm. Ngoài việc hay ôm đồm đa loại việc như thế, tôi cũng là người có tính tập trung không cao. 3 vòng Pomodoro là giới hạn của tôi, sau đó là vài chục phút lăn đùng ra sàn để coi tin tức, lướt Linkedin. Bởi thế mà có nhiều lần, tôi mang cảm giác ân hận vì mình đã "lười biếng" để thời gian trôi đi vô ích, rồi lại trở nên căng thẳng vì điều đó, đến mức nằm ra sàn nhà, nhìn mây trôi mà không thể nghĩ ngợi được nhiều. Rồi tôi cũng ráng xóa Facebook, Tiktok, và truy cập chúng bằng trình duyệt; di chuyển biểu tượng Youtube sang chỗ khác trên màn hình, làm sao để khi truy cập được các trang mạng xã hội ấy, tôi sẽ tốn nhiều bước hơn bình thường. Việc này cũng giúp bớt đi một lượng thời gian lười biếng kia, nhưng chỉ khi bản thân mình thực sự không trì hoãn và tập trung hơn, độ giảm thời gian lười biếng ấy mới được tối đa.


Vừa rồi, tôi có một buổi chia sẻ cho tân sinh viên Trường Đại học Quốc Tế, được tổ chức bởi CLB Enactus IU. Đây là lần đầu tiên tôi làm diễn giả cho một buổi webinar có hơn 100 người vào xem. Cảm giác khá khó tả. Thoạt đầu trước khi bắt đầu buổi chia sẻ, tôi hồi hộp lắm. Cứ mỗi 2 3 phút lại có dòng điện chạy qua người, nổi da gà, nhịp thở cũng nhanh hơn. Đã bao nhiêu lần trải qua cái cảm giác ấy, vốn xảy ra và rất đặc thù trước khi thuyết trình, nói trước đám đông, nhưng tôi vẫn cảm thấy mỗi lần mỗi khác, không giống gì nhau.

Buổi nói kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Chị diễn giả còn lại đã chia sẻ một số điều rất bổ ích cho các bạn. Riêng tôi, nhìn lại thì toàn nói mấy thứ không đâu, chung chung, đã vậy cái giọng thì nhỏ, mặt thì tối, nên chắc các bạn sinh viên nghe buồn ngủ lắm.

Tất cả các buổi webinar luôn đem đến nhiều giá trị cho mọi người tham gia, không chỉ cho thính giả, mà còn cho diễn giả. Điển hình như tôi có dịp nhìn lại quãng đường mình đi qua bằng việc kể cho mọi người, và cũng nhắc nhở bản thân về câu chuyện cân bằng trong công việc.



Thuở trước, tôi là đứa thích sự cân bằng, tức là chuyện gì mình cũng phải làm tốt nhất có thể. Tôi nghĩ cân bằng là thế. Cụ thể, mình vừa học trên trường, vừa làm dự án ngoài, thì phải sắp xếp sao cho, GPA phải ổn, mà dự án cũng phải thành công. Tiếc là điều đó khó có thể xảy ra, đặc biệt là với khả năng của tôi. Tất nhiên là tôi đã nghe nhiều câu chuyện về việc những sinh viên, hay bất cứ ai, đã quản lý công việc và thời gian của mình để làm được nhiều việc trong một khoảng thời gian. Ngữ cảnh cụ thể sẽ không được nhắc đến trong bài này để tránh mâu thuẫn, tôi chỉ nói ngữ cảnh của mình, và mong ai đó có thể góp ý thêm, chia sẻ câu chuyện ở dưới, để ta có thêm nhiều góc nhìn.


Chúng ta rồi sẽ có tất cả mọi thứ mình muốn, nhưng không phải cùng một lúc.


Photo by Colton Sturgeon on Unsplash

Một thời gian lăn lộn học đủ thứ, từ dự án ngoài và cả việc học trong trường, tôi nhận ra mình không thể cân bằng mọi thứ, hay chính xác hơn, tôi không thể có tất cả mọi thứ mà tôi muốn tại một thời điểm. ICD đã chia sẽ một câu nói tôi thấy khá tâm đắc trong podcast với Vietcetera: "Chúng ta rồi sẽ có tất cả mọi thứ mình muốn, nhưng không phải cùng một lúc".

Tôi không ngần ngại chia sẻ với các bạn sinh viên rằng mình đã từng cúp học, làm việc khác trong giờ học, rồi lại hối hả ôn thi chỉ khi ngày thi cận kề, và không ngần ngại khẳng định rằng mình hối tiếc về điều đấy, về sự không tập trung, về sự trì hoãn, về việc không lựa chọn 1 ưu tiên ở một thời điểm.

Nếu như chúng ta có quá nhiều ưu tiên, thì thực ra chúng ta không có ưu tiên nào cả

Bàn về ưu tiên, tôi tâm đắc với câu nói trên, và tôi cũng nhắc lại nó ở cuối buổi webinar. Đây là điều mà rất lâu sau, là một sinh viên, tôi mới hiểu được. Và việc hiểu được, cần nhiều thời gian. Trong khi đó, sinh viên, cụ thể là tân sinh viên, tôi cho rằng phần đông sẽ chưa biết rõ cụ thể mình sẽ làm gì trong tương lai, mà thực ra không ai biết cả. Và tôi cũng nghĩ rằng, để biết được mình sẽ làm gì đấy, chúng ta phải trải nghiệm, thật nhiều, thật đa dạng, nhưng phải tránh cái bẫy là ôm đồm nhiều thứ mà không rõ lý do, mục đích, để rồi đổ vỡ, như tôi đây, đã từng rớt môn, dự án thất bại. Nói cách khác, chúng ta phải đặt ưu tiên cho bản thân, và chỉ nên có một ưu tiên tại một thời điểm nhất định. Những việc khác, tôi sẽ có lựa chọn, sắp xếp sao cho nó bổ trợ cho ưu tiên hiện tại của mình, rồi phân bổ thời gian theo quy tắc 80/20.


Ví dụ, tôi đang tập trung hướng đi Product Management, mà lại đang học Computer Science. Để tránh mất tập trung, tôi sẽ cần lựa chọn các môn trong chuyên ngành CS có kiến thức bổ trợ cho ưu tiên, Product Management của mình. Sau đấy, nhưng môn nào không quan trọng, tôi sẽ dành 20% thời gian trong việc học (vốn là 20% trong tổng thời gian, vì 80% kia đã dành cho việc đi làm Product) cho chúng. Một chút shout-out cho anh Phúc với kênh Youtube "Minh-Phuc Tran" đã chỉ cho mọi người cách làm này.


Tôi chắc chắn rồi mình sẽ có GPA ổn, blog 1 triệu follow, gia đình sum vầy, cũng như công việc tốt, và nhiều thứ khác, chỉ là tất cả những điều đó sẽ không thể xảy ra ngay bây giờ.

17 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page